Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Dựng nhà Truyền thống để đón Tết

Nhiều năm qua, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, các khu tái định cư đa số chưa thể xây dựng được nhà cộng đồng. Để đồng bào các dân tộc thiểu số có nơi sinh hoạt tập trung, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tốc, chính quyền xã Trà Cang (Nam Trà My) đã vận động người dân dựng nhà Rông để đón Tết.


Ngôi nhà truyền thống của người Xê Đăng tại làng Cheng Tong (Trà Cang)

     Cuộc sống sau tái định cư

Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày người Xê Đăng dời về tái định cư tại ngôi làng mới, nhưng gần 100 hộ đồng bào nơi đây chưa có điều kiện để có những buổi sinh hoạt đúng nghĩa theo tập tục của đồng bào mình.

Chị Trương Thị Luông – Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Trà Cang cho biết, năm 2017, nhờ chủ trương di dời của xã, các hộ dân tại nóc Cheng Tong (thôn 1) đã theo nhau về khu đất mới khá an toàn, cuộc sống bà con vì thế cũng dần ổn định, việc đi lại cũng thuận tiện hơn trước. Tuy nhiên, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa gặp rất nhiều khó khăn do không có nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng và trưng bày sản phẩm truyền thống.

“Nhiều năm nay mỗi khi hội họp hay giao lưu đều phải mượn nhà các hộ trong làng để tổ chức, việc này rất bất tiện cho gia chủ cũng như không đáp ứng được nhu cầu vui chơi của bà con” – Chị Luông cho biết.

Dọc theo con đường làng, những căn nhà được bà con dựng lên khá khang trang, nhờ quỹ đất được đáp ứng nên các hộ ở đây có không gian sống khá thoải mái. Cách đây vài tuần, Làng Cheng Tong cũng đã phấn khởi khánh thành ngôi trường Mầm non cho các em có thể theo học gần nhà, nhưng ngôi trường này cũng không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho tất cả bà con.

Cũng theo chị Luông, vì làng chưa có nhà sinh hoạt chung nên thời gian đầu, bà con cũng không mặn mà với việc tập trung giao lưu, thậm chí thanh niên, trai gái trong làng cũng mơ hồ về văn hóa cha ông, làng cũng vì thế mà đứng trước nguy cơ khó duy trì và phát huy các bản sắc văn hóa người Xê Đăng trong thế hệ trẻ.

Chung sức dựng nhà cộng đồng

          Sau gần 3 tuần làm việc miệt mài, với hơn 200 nhân công, ngôi nhà Rông được chính tay bà con dựng lên bề thế giữa ngôi làng mới nhân dịp Tết Nguyên dấn cận kề. Tiếng chiêng trống cùng những điệu múa lại một lần nữa vang lên giữ đại ngàn trong ngày vui sum họp. Nhiều năm rồi người dân Xê Đăng nơi đây mới có cơ hội được tập trung đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng như thế này.

          Già làng Phạm Khải Hành không giấu nỗi niềm vui, niềm hạnh phúc khi những băn khoăn, trăn trở suốt bao năm qua về “Hy quốt” (Nhà truyền thống trong tiếng Xê Đăng – PV) cũng được giải tỏa. Đối với già, “Hy quốt” như là cội nguồn của người Xê Đăng, hiện thân của tinh thần đồng bào mình. “Làm nhà văn hóa để giữ gìn truyền thống, nét cổ truyền dân tộc từ ngày xưa đến giờ. Ngôi nhà này ý nghĩa hơn khi được dựng lên từ sự chung tay, góp sức của tất cả bà con trong làng” – Già Hành chia sẻ.

          Theo đó, để có được ngôi nhà như hôm nay, trước tiên là ý tưởng của lãnh đạo xã và Chi bộ thôn 1, tuy nhiên để thực hiện trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, cần phải có sự chung tay, đồng thuận của người dân trong thôn. Với vai trò và uy tín của mình, già làng Phạm Khải Hành đã xung phong hiến gần 200 m2 đất.

Tiếp nối tinh thần của già làng, người dân tại 4 nóc của thôn 1 gồm Cheng Tong, Tu Reo, Tắc Póc, Ngọc Năm đã tham gia góp công, góp của để thực hiện “bổn phận” của mình. Người góp gỗ, người góp sức, các gia đình thay nhau sang làng khác cưa lồ ô, cắt tranh nứa mang về tận “công trường” của làng. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ngôi nhà đã dần thành hình trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con.


"Hy quốt" được bà con Xê Đăng dựng lên trong chưa đầy 3 tuần

           Ngoài thiết kế, các vật liệu quen thuộc như gỗ, nứa, lồ ô, cỏ tranh… được bà con đưa từ nhiều nơi về, nhờ đó ngôi nhà truyền thống của làng giữ được gần như nguyên vẹn mô hình của người Xê Đăng từ bao đời. Giờ đây, ngôi nhà không những là nơi hội họp, múa hát mà còn trở thành trường học cho chính các em nhỏ và bà con nơi đây.

Chị Luông cho biết thêm, thôn sẽ có kiến nghị với xã về việc mở lại lớp đào tạo nghề cho bà con trong làng, trong đó tập trung hướng dẫn chị em phụ nữ dệt vải, đan lát; ngoài ra, các già làng sẽ truyền lại các làn điệu múa, hát và các sử dụng nhạc cụ truyền thống cho thanh niên của làng. Tất cả những nội dung đó sẽ sớm được triển khai và thực hiện ngay tại ngôi nhà cộng đồng vừa được dựng lên.

Theo ông Trần Xuân Mố - Bí thư Đảng ủy xã Trà Cang, với nỗ lực khôi phục bản sắc văn hóa tốt đẹp của các đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chi bộ các thôn và tinh thần đoàn kết của bà con, niềm vi vọng về một nền văn hóa bền vững của người Xê Đăng sẽ không còn xa nữa. “Đây cũng là tấm gương, động lực để các thôn, làng khác trên địa bàn xã Trà Cang thực hiện trong công cuộc phát huy tinh thần dân tộc, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, phong phú hơn” – Ông Mố nói.

Tác giả: Phú Thiện - Hà Mây

Nguồn tin: Trung tâm VHTT&TTTH huyện


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập