Tại buổi trao tặng, có 1000 cây sâm Ngọc Linh giống một năm tuổi, trị giá gần 300 triệu đồng được trao cho 57 hộ đồng bào Xê Đăng của xã Trà Nam, bình quân mỗi hộ dân được nhận 16 cây sâm giống trị giá 4 triệu đồng.
Toàn bộ số sâm Ngọc Linh một năm tuổi này được huyện Nam Trà My vận động doanh nghiệp, hộ tư nhân trồng sâm trên địa bàn xã Trà Nam ủng hộ cho các hộ gia đình đăng ký thoát nghèo năm 2023 này. Đây là cách làm hoàn toàn mới, phù hợp với thực tế địa phương và tính cố kết cộng đồng của đồng bào Xê Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trong công tác giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi trao tặng sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thế Phước bày tỏ ghi nhận vfa đánh giá cao tinh thần của các cá nhân, doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn xã Trà Nam. Đây không chỉ thể hiện tinh thần tương thân, tương ái mà còn là tình cảm, trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ trồng sâm đối với người dân địa phương, đặc biệt là công tác xoá đói giảm nghèo cuả huyện. Đồng chí đặc biệt lưu ý các hộ nên có cách làm khoa học, vừa trồng sâm, vừa lao động sản xuất trên các linh vực khác. Trong đó, xem việc những cây sâm giống là nguồn động viên to lớn để phấn đấu làm ăn, chăm lo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Được biết, năm 2023 này, huyện Nam Trà My có 700 hộ đồng bào thiểu số đăng ký thoát nghèo và đây là địa phương luôn dẫn đầu khu vực miền núi Quảng Nam về chỉ tiêu thoát nghèo hằng năm.
Huyện vùng cao này cũng có mô hình hỗ trợ thoát nghèo rất hiệu quả là mô hình “ 3 cán bộ đảng viên đồng hành cùng một hộ nghèo” và đã có hàng trăm hộ đồng bào thiểu số thoát nghèo từ cách làm hay này. Mô hình này cũng được tỉnh Quảng Nam nhân rộng ra 6 huyện miền núi cao của tỉnh.