Đối tượng được hỗ trợ gồm có: Hộ gia đình (đã đăng ký thành nhóm hộ) có hộ khẩu thường trú tại các địa phương trong phạm vi hỗ trợ, có nhu cầu và khả năng đầu tư trồng sâm, đảm bảo các quy định về điều kiện được hỗ trợ; Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam; Trại Sâm Tắc Ngo thuộc UBND huyện Nam Trà My.
Các cơ chế hỗ trợ cụ thể như sau: Nhóm hộ gia đình được nhận khoán, quản lý, bảo vệ rừng ở phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính dịch vụ và rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ rừng kết hợp trồng sâm dưới tán rừng; Trạm Dược liệu Trà Linh được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Ngân sách tỉnh hỗ trợ hộ gia đình 80% giá mua cây sâm giống, nhưng không quá 500 cây/hộ/năm. Mức hỗ trợ Trại Sâm Tắc Ngo thuộc UBND huyện Nam Trà My bằng mức hỗ trợ cho nhân dân, số lượng cây giống hỗ trợ tùy tình hình thực tế từng năm. Ngân sách tỉnh hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với các ngân hàng thương mại; mức vay tối đa không quá 30.000.000 đồng/hộ, dùng để mua sắm trang thiết bị quản lý và bảo vệ vườn sâm, thời gian vay không quá 7 năm. Hộ gia đình được hưởng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng; hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý nhà nước về giống để tự tổ chức sản xuất giống phục vụ cho đầu tư phát triển vùng sâm nguyên liệu trên đất được giao khoán; tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; được tập huấn và hỗ trợ xây dựng mô hình theo các chương trình khuyến nông, giảm nghèo.