Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Nam Trà My: Nguy cơ tái diễn gia súc chết rét

Mùa đông cuối năm 2010 đầu 2011, huyện Nam Trà my có gần một nghìn con gia súc bị chết vì rét lạnh, khiến kinh tế người dân gặp khó khăn. Nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của các hộ chăn nuôi. Hiện nay thời tiết ở huyện này đang ở mức dưới 18 oC nên nguy cơ đàn gia súc chết rét đang tái diễn và trở thành bài toán khó cho ngành chăn nuôi nơi đây.

Mất bò….
    Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nam Trà My, năm 2011, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt 20.511 con, tăng 1.168 so với năm 2010. Trong đó, đàn bò tăng 175 con, trâu 33 con và dê 63 con. Hơn một nửa số gia súc tăng lên là nhờ người dân đầu tư kinh phí mua từ dưới đồng bằng về nuôi thả. Còn mức tăng tại địa phương thì rất thấp, khoảng vài chục con. Nguyên nhân là do thời điểm đầu năm 2011, thời tiết vụ đông ở Nam Trà My chuyển sang rét đậm, rét hại khiến cho gia súc không chịu nổi sự giá bút dẫn đến 401 con bò, 148 con trâu và 305 con dê bị chết. Nặng nhất là tại xã Trà Cang. Nhiều hộ dân nơi đây đã vay tiền từ Ngân hàng chính sách xã hội về chăn nuôi gia súc theo chương trình giảm nghèo nhưng chưa thu được lợi nhuận thì đàn vật nuôi bị chết hàng loạt dẫn đến nợ tiền lãi và vốn vay. Cạnh đó huyện Nam Trà My cũng mua và cấp 302 con bò cho người dân chăn thả. Do địa hình xa xôi, cách trở nên khi trâu, bò, dê bị chết, các hộ dân đã mổ thịt chia nhau ăn, một số nhà còn lấy thịt treo giàn bếp vì ăn không hết. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc – Chủ tịch UBND xã Trà Cang khẳng định, việc xã vận động người dân mua gia súc về chăn thả là nhằm tận dụng lợi thế chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo. Nhưng khi gia súc bị chết vì rét lạnh, nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh khốn khó. Họ xẻ thịt gia súc chết rét chia nhau ăn mà lòng đau như cắt – bà Cúc nói.
    Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến gia súc chết hàng loạt vì thời tiết rét lạnh cũng có một phần chủ quan của người dân. Đa số đàn trâu, bò, dê khi được vay tiền mua về, người chăn nuôi ở Nam Trà My đem thả ăn rông ngủ rừng, không chuồng trại, không có nguồn thức ăn dự trữ nên việc gia súc chết là khó tránh khỏi. Hơn nữa vào thời điểm đầu năm 2011, khi tình trạng vật nuôi bị chêt shàng loạt, chính quyền huyện Nam Trà My đã chỉ đạo cho Phòng NN&PTNT triển khai khấn cấp phương án chống rét. Theo đó, cán bộ nông nghiệp huyện được điều động về xã hướng dẫn biện pháp làm chuồng trại đủ ấm để nhốt vật nuôi, cách dự trữ thức ăn như lá rừng, lau lách, chuối cây… cho trâu, bò, dê ăn vào những ngày thời tiết xuống thấp. Huyện cũng đầu tư kinh phí mua tấm bạt và tôn hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi xây dựng 600 chuồng trại bảo vệ gia súc. Thậm chí cả phương án đốt lửa sưởi ấm vật nuôi vào ban đêm cũng được hướng dẫn cụ thể đến người chăn nuôi. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi vẫn thờ ơ không áp dụng các phương án chống rét cho vật nuôi, không làm chuồng trại theo hướng dẫn. Vì thế nên số lượng trâu, bò, dê bị chết đã tăng lên rất nhiều.

Ảnh: Thời tiết rét lạnh, đàn bò này không thể tự kiếm thức ăn     

Những ngày này thời tiết ban ngày ở Nam Trà My khoảng 18 oC, ban đêm nhiệt độ xuống thấp hơn. Ở một số xã vùng cao như Trà Nam, Trà Cang, Trà Vinh, Trà Linh nhiệt độ chênh lệch thấp hơn nhiều. Trong khi đó, tập tục chăn nuôi của người dân vẫn theo phương thức thả rông nên hiện nhiều đàn bò, trâu, dê đang có nguy cơ tiếp tục hết vì đói, rét. Ông Phan Thanh Tiến – Trưởng phòng NN&PTNT Nam Trà My khẳng định, nguyên nhân trâu, bò, dê ở huyện chết hàng loạt là do người dân chăm sóc không chu đáo, đa số là thả ăn rông ngủ rừng. Hơn nữa việc dự trữ thức ăn chưa được thực hiện nên khi trời rét lạnh vật nuôi bị chết đói. Ông Tiến cho biết: trước mùa rét lạnh năm 2012, chúng tôi đã phối hợp với Trạm thú y huyện tổ chức 2 đợt tập huấn về công tác phòng chống đói rét trên gia súc cho cán bộ khuyến nông, thu y và trưởng thôn tại 10/10 xã. Trọng tâm là hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại kín gió, đủ ấm, cách chọn lựa thức ăn dự trữ…đồng thời tổ chức rà soát tiêm phòng Vacin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên gia súc. Sau đó các đối tượng được tập huấn sẽ hướng dẫn cụ thể tới người dân nhằm hạn chế trâu, bò, dê bị chết vì đói rét như năm ngoái. Tuy nhiên do tập tục chăn nuôi thả rông của người dân và thiếu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở nên khó có thể bảo đảm đàn gia súc không bị thiệt hại. Ông Tiến cũng cho biết thêm là vụ đông năm nay huyện không hỗ trợ tấm lợp làm chuồng trại cho người dân vì số vật liệu năm ngoái vẫn còn sử dụng tốt. Ông Nguyễn Văn Điền – Chủ tịch UBMTTQVN Nam Trà My đề nghị người dân không nên mua bò còn quá nhỏ hoặc quá già từ dưới đồng bằng về nuôi thả. Vì như vậy sức đề kháng yếu nên rất dễ chết vì đói rét và dịch bệnh. Tốt nhất là mua bò khoảng 3 năm tuổi từ các huyện vùng núi về thả để đảm bảo số lượng.


Ảnh: Chuồng trại sơ sài không đủ ấm cho gia súc 

    Hiện tại về các xã, chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh đàn trâu, bò, dê được chăn thả ngoài rừng rẫy. Nhiều đàn bò bị xù lông và không thể tự kiếm thức ăn vì thời tiết quá lạnh. Đàn dê, trâu vì chịu không nổi cái lạnh nên rúc vào bụi cây trú rét. Thiết nghĩ việc huyện Nam Trà My hỗ trợ bò giống, vật liệu làm chuồng trại là nhằm tạo cơ hội cho người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, phát huy lời thế vùng núi để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhưng xem ra chính sự thời ơ, thiếu trách nhiệm của các hộ chăn nuôi nên câu chuyện thoát nghèo dựa vào mô hình chăn nuôi vẫn còn rất xa vời.


Tác giả: Hoàng Thọ - Đài TT-TH Nam Trà My


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập