Tuần qua, trên địa bàn huyện Nam Trà My trời mưa rất to, cộng thêm lượng mưa lớn những ngày trước đó nên lũ đổ về các sông suối rất nhiều và chảy mạnh. Có mặt tại khu vực cầu ngầm Nước Là xã Trà Mai, chúng tôi chứng kiến những cảnh tượng khó tin nổi vào mắt mình. Dưới lòng sông, lũ chảy cuồn cuộn, từng thớt nước va đập vào nhau tung bọt trắng xoá, có hàng chục người lom khom tay cầm tấm màn (loại màn treo chống mũi) lặng mình xuống nước để vớt cá. Quan sát kỹ chúng tôi phát hiện đây là khúc sông có nhiều thác và dòng chảy rất mạnh. Đa số những người vớt cá là thanh niên và học sinh. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương cho biết, khi có mưa to, nước lũ trên các sông sẽ dâng cao, chảy mạnh và cuốn theo tất cả các loài cá đập vào đá. Khi đó cá sông sẽ bị choáng váng nên rất dễ vớt. Nếu đông người có thể dùng tấm màn và giăng 4 góc cào dưới dòng nước sẽ bắt được rất nhiều cá. Một mình có thể dùng chiếc vó với diện tích mặt lưới chừng 1 mét vuông là có thể “tác chiến” độc lập với những con cá sông đang đuối sức trôi lồng bồng trong dòng nước lũ. Đứng theo dõi một hồi, chúng tôi thấy mấy thanh niên vớt cá bằng màn hầu như mẻ cào nào cũng bắt được cá. Đa số là cá Niên, cá Sốc, cá Mẻ, cá Lấu. Nếu may mắn thì vớt được cá Chình, Chiên, Khoá… Có lần 1 người dân tại thôn 2 xã Trà Mai vớt được 1 con cá Bông Lau nặng hơn 10kg, mừng hết biết. Tuy nhiên để bắt được cá không phải chuyện đơn giản. Bốn người phải hít thở thật sâu rồi ngụp lặn xuống dòng nước sông đục ngầu và đang chảy rất mạnh, kéo tấm màn di chuyển chừng 3 đến 5 mét thì ngoi lên, bươi rác, đá tìm cá. “Các em lặn dưới sông đang có nước lũ lớn không sợ bị cuốn trôi sao?” – chúng tôi hỏi nhóm vớt cá tại cầu Nước Là. “Dạ không! Bọn em ở gần đây mà, từng khúc sông Nước Là ni bọn em rất rành nên dễ gì gặp nạn. Mùa mưa, không biết làm chi nên đi vớt cá về ăn anh ạ.” – một thanh niên trạc 19 tuổi trong nhóm bắt cá đứng run cầm cập cho biết. Nói xong cả nhóm lại ngụm mình xuống dóng nước để vớt những con cá đang lừ đừ trong dòng xoáy của nước lũ. Chỉ cần sẩy chân hoặc lặn trúng đoạn nước xoáy thì chắc chắn sẽ bị cuốn trôi, chết đuối. Dù có bơi giỏi đến mấy cũng khó mà sống sót vì trên dòng Nước Là đầy thác dốc và ghềnh đá lô nhô.
Hình : Vớt cá tại sông Nước Là
Tuy vậy, khi nghe tin các từ các khe suối trên nguồn đổ về rất nhiều nên mỗi lúc một đông các thanh niên vác vó đi vớt cá. Tại bờ sông Tranh (đoạn trước UBND xã Trà Tập) chúng tôi thấy có trên 50 người đội những cơn mưa rát da chồm ra sông vớt cá. Do đoạn sông này sâu và chảy quá mạnh nên chỉ có những người vớt cá bằng vó, không thể dùng tới màn được. Nhìn mọi người chồm cả thân thể ra dòng sông chúc vó cào cá chúng tôi thấy rất hoang man vì họ quá coi thường tính mạng của mình trước hiểm hoạ thiên nhiên. Anh Hồ Văn Nải, tay cầm vó cào cá chia sẻ: “Hôm nay mưa to quá nên mấy anh em trong làng không biết làm chi, đành rủ nhau ra sông vớt cá về nấu canh chua với măng rừng làm mồi nhậu ngon hết ý, đỡ phải tốn tiền”
Hình : Những cú chồm chết người
Cách đây đúng 1 tuần lễ, cũng chính ngay tại khu vực anh Nãi và những người khác đứng vớt cá, anh Doãn Viết Tuấn ( 25 tuổi quê ở huyện Thanh Chương – Nghệ An) là công nhân thi công đường Nam Quảng Nam, ra sông Tranh dạo chơi và bị trượt chân rớt xuống sông trôi theo dòng nước lũ. Mãi đến 4 ngày sau đồng nghiệp mới vớt được thi thể anh Tuấn tại xã Trà Dơn, cách nơi gặp nạn hơn 9 km đường sông. Ông Hồ Văn Hiền – chủ tịch UBND xã Trà Tập xác nhận, cách đây 2 năm tại địa điểm anh Tuấn tử nạn, ông Vũ Đình Lễ ở nóc Tu Gia – Thôn 1, đi bắt cá bị trượt chân rớt xuống sông Tranh chết đuối.
Nhiều người đi vớt cá vẫn biết chuyện anh Tuấn, ông Lễ bị chết đuối vì nước lũ nhưng họ không hề tỏ ra lo sợ.
Hơn thế nữa, mỗi khi lũ về trên các sông, suối cuốn theo nhiều cây gỗ quý. Một số thanh niên địa phương liều mình lao ra giữa dòng nước chảy xiết để lai dắt những thân gỗ vào bờ. Đã có không ít người bị “chết hụt” cũng vì ham của rừng.
Về phía chính quyền địa phương thì chưa có biện pháp gì để nghiêm cấm việc người dân đi vớt cá trên sông suối. Bà Nguyễn Thị Huệ - Bí thư Đảng uỷ xã Trà Tập cho biết: Việc người dân ra sông suối vớt cá, vớt gỗ trong mùa lũ là rất nguy hiểm. Do không có cơ sở pháp lý để nghiêm cấm nên chúng tôi đã tuyên truyền, khuyên nhủ mọi người phải hết sức cẩn thận khi đi bắt cá và đặc biệt là không nên dẫn trẻ em đi theo. Đây cũng là biện pháp mà chính quyền huyện Nam Trà My chỉ đạo tuyên truyền tới người dân.
Hiện ở tại Nam Trà My, do giao thông cách trở nên mỗi khi người dân qua sông suối cũng gặp không ít hiểm nguy. Nhất là các em học sinh sau giờ tan trường không có phụ huynh đưa đón nên rất dễ gặp nạn khi đi lại trong mùa mữa. Một số địa phương ở Nam Trà My đã làm cầu treo tạm để tránh lũ nhưng chiếc cầu treo này giống như chiếc võng đung đưa chưa biết đứt dây ngày nào.
Hình : Cầu treo tạm đung đưa trên dòng sông Bua xã Trà Vân
Thiết nghĩ, loài cá sống dưới nước còn bị nước lũ vùi dập đến đuối sức huốn chi là những người (sống trên cạn) liều mình ra sông vớt cá. Chỉ vì một trã cá sông kho nghệ hay một nồi canh chua nấu măng làm mội nhậu mà những người này đem cả sinh mệnh của mình ra đùa giỡn với thủy thần đang hung hăng dữ tợn. Đây quả là chuyện đáng phải nghĩ – suy.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, từ năm 2005 đến nay, huyện Nam Trà My đã có 8 người bị chết đuối. Nguyên nhân chính là do bất cẩn khi đi qua sông suối trong mùa mưa lũ.
|