Vua sâm Măng Lùng
Đến với làng Măng Lùng thuộc thôn 2 xã Trà Linh hỏi chuyện trồng sâm, ai ai cũng bảo tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Lượng, năm nay 40 tuổi. Bởi mặc dù vào nghề sau ông Hồ Văn Du nhưng anh Lượng hiện là một ông chủ có nhiều sâm Ngọc Linh nhất vùng Măng Lùng. Và tất nhiên anh cũng là hộ gia đình giàu có nhất vùng rẻo cao này. Trước đây nhà anh Lượng ở ngay làng Măng Lùng nhưng vì công việc chăm sóc, bảo vệ sâm quá bận bịu nên vợ chồng anh đã dời nhà cửa vào sát vùng sâm để tiện cho công việc làm giàu. Nhà mới được bên cạnh con đường độc đạo dẫn vào vùng sâm thôn 2 chừng 30 phút đi bộ. Theo lời bộc bạch, Nguyễn Văn Lượng bước vào nghề trồng sâm từ năm 1993. Khi đó, mỗi ký sâm Ngọc Linh tươi rẻ mạc, có giá khoảng 30 nghìn đồng, thậm chí những lúc không bán được nên sâm bị úng thối. Song với ý chí làm giàu nên anh Lượng tích lũy kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây sâm. Anh đã tự thu hoạch hạt sâm ngoài tự nhiên mang về ươm giống và chọn những khoảng đất mùn có tán lá che ở độ cao khoảng 1.700 mét trở lên để trồng. Và khi cây sâm Ngọc Linh được y học phát hiện là loại cây dược liệu quí hiếm nên gí trị của mỗi củ sâm cũng tăng lên đáng kể. Giai đoạn năm 2000, các vườn sâm của anh Lượng đã mang về khoản thu nhập cho gia đình mỗi năm đạt gần 100 triệu đồng. Theo thống kê, hiện tại gia đình anh Lượng có hơn 20 nghìn cây hơn 10 năm tuổi trị giá vài chục tỉ đồng. Không chỉ vậy cứ sau mỗi năm anh lại trồng mới từ 5 đến 10 nghìn cây sâm non. Mới đây anh đã bỏ ra số tiền 500 triệu đồng để mua lưới théo B40 về rào quanh vườn sâm nhằm tăng cường công tác chống trộm, thú rừng phá hoại sâm. Điều đáng ngưỡng mộ ở con người này là khi đã thực sự giàu lên từ cây sâm Ngọc Linh, anh Lượng đã tạo công ăn việc làm bền vững cho hơn 10 công nhân, đồng thời cũng vận động 7 hộ khác tham gia cùng anh lập chốt trồng sâm để tiện cho việc bảo vệ, chăm bón. Ngoài ra, Nguyễn Văn Lượng cũng thường xuyên bán cây giống sâm giá rẻ cho những hộ khó khăn ở Măng Lùng để cùng nhau thoát nghèo, làm giàu từ sâm. Anh tâm sự: “Sâm đối với tôi rất quý, không có gì quý bằng. Nhờ cây sâm mà cuộc sống bây giờ khá giả hơn xưa rất nhiều. Bây giờ Nhà nước đang có nhiều chủ trương phát triển cây sâm nên tôi rất tưởng quê hương Măng Lùng sẽ thành thủ phủ sâm của cả nước”.
Khi cuộc sống khá giả, anh Lượng đã bỏ tiền ra dựng thêm 2 căn nhà gỗ khang trang, rộng rãi để cho các đoàn công tác đến nghỉ chân. Giờ đây, công việc của Lượng không chỉ quanh quẩn trong vườn sâm mà anh còn thường xuyên đi giao sâm cho khách hàng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Anh Lượng giới thiệu vườn sâm với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh
Đại gia Tắk Lang
Tắk Lang thuộc thôn 3 xã Trà Linh, làng này nằm trên sườn núi đối diện với làng Măng Lùng qua con sông Đắk Pi. Từ ngày cây sâm Ngọc Linh nổi tiếng, đã có nhiều hộ gia đình ở đây bổng dưng giàu một cách nhanh chóng. Trong đó phải kể đến đại gia Hồ Văn Hình. Từ việc trồng sâm đem về lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm mà anh Hình đã tạo dựng một cơ ngơi bề thế giữa làng Xê Đăng này. Ngoài ngôi nhà kiên cố với đầy đủ vật dụng, tiện nghi anh Hình còn bỏ tiền ra đào 2 ao nuôi cá trên sườn núi Ngọc Linh. Anh còn dẫn cả gia đình đi du lịch, viếng lăng Bác Hồ. Ở thôn 3, gia đình Hồ Văn Hình dẫn đầu về số lượng sâm Ngọc Linh với tổng giá trị ước tính trên 15 nghìn cây, trị giá hơn chục tỉ đồng. Cây sâm đã giúp cho cuộc sống gia đình anh Hình từ chỗ nghèo đói cách đây gần 20 năm, trở nên giàu giàu nhất Tắk Lang. Giống như anh Lượng, anh Hình cũng vận động dân làng lập chốt trồng sâm và thuê công nhân canh giữ ngày đêm. “Ở đây khí hậu lạnh lẽo quanh năm. Chăn nuôi không phát triển. Lúa nước chỉ cấy mỗi năm một vụ. Cũng nhờ cây sâm mới có được cuộc sống như bây giờ nếu không thì dân làng chúng tôi chẳng biết lấy gì để thoát nghèo chứ chưa nói tới làm giàu” – anh Hình tâm sự.
Mới đây anh Hồ Văn Hình cũng đã tham gia học lớp lái xe ô tô và dự kiến năm tới sẽ mua xe để tiện cho việc đi lại, giao sâm cho khách hàng thập phương.
Ngoài hai nhân vật điển hình nói trên thì trong vòng 5 năm trở lại đây ở Trà Linh cũng đang xuất hiện những đại gia sâm với khối tài sản (sâm Ngọc Linh) khổng lồ như anh Hồ Văn Bộ, Hồ Văn Bông…
Giờ đây trên đỉnh Ngọc Linh – nóc nhà của Miền trung đang có những tỉ phú rất trẻ chưa học hết cấp 2 nhưng lại nắm trong tay khối gia sản hàng chục tỉ đồng. Chính cây sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam đã giúp họ đổi thay cuộc sống đầy mơ ước đối với cư dân miền núi. Tới đây, khi đề án sâm quốc gia triển khai với những bước đi mới, đầy tính khoa học, chắc chắn ở xứ sở sương mù này sẽ xuất hiện rất nhiều đại gia sâm.