Còn đối với ông Hồ Văn Du, người có hơn 35 năm sát cánh với cây sâm cũng vui mừng khó tả khi biết được cây sâm Ngọc Linh được chọn là sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam. Ông Du tâm sự, hơn nửa đời mình đã cùng ăn, cùng ở với cây sâm, lo cho sâm còn hơn cả bản thân bởi vì ông biết sâm rất quý, là tương lai tươi sáng cho dân làng. Nên khi thấy sâm Ngọc Linh nằm trong chiến lược sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam và đặc biệt là được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đưa vào chương trình nghị sự, ông Du và người trồng sâm đã rất kỳ vọng. “Tôi nghĩ cây sâm Ngọc Linh không chỉ là mục tiêu đầu tư của tỉnh từ nay đến năm 2020 mà phải xa hơn và quyết liệt hơn nữa. Tỉnh cần đầu tư thành lập những nông trường sâm rộng lớn, xây dựng nhà máy chế biến sâm như ở nước ngoài. Như vậy chắc chắn người dân vùng núi chúng tôi sẽ thoát nghèo bền vững” – ông Du kiến nghị.
Cũng như đồng bào Xê Đăng ở Trà Linh, đồng bào các dân tộc Ca Dong, Mơ Nông ở Nam Trà My đều đặt lỳ vọng lớn vào Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI. Đồng bào tin tưởng rằng, đây sẽ là Đại hội của trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo, đề ra những quyết sách để tạp động lực cho miền núi Quảng Nam nói riêng và xứ Quảng nói chung phát triển bền vững.