Đánh giá cụ thể các tác động
Giai đoạn 2019-2021 tỉnh Quảng Nam đã xây dựng đề án và được UBTVQH thống nhất tại Nghị quyết 863/NQ-UBTVQH. Theo đó toàn tỉnh sáp nhập 06 xã, giảm 03 xã so với trước. Đánh giá về kết quả sau gần 02 năm triển khai, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các địa phương đều cho rằng đây là chủ trương đã được thực tế khẳng định đúng. Việc sáp nhập đã giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách. Đồng thời tạo điều kiện để cơ cấu, lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm; lựa chọn được những người có trình độ, năng lực, tâm huyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Riêng thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức (thành lập trên cơ sở hợp nhất xã Quế Bình và thị trấn Tân An) sau sáp nhập diện tích lớn hơn cũng là điều kiện thuận lợi để quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo định hướng trung tâm huyện lỵ.
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại huyện Quế Sơn. Ảnh: Trí Nhân
Đánh giá cụ thể các tác động khi thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC đối với người dân, các địa phương nhìn nhận, việc thay đổi tên ĐVHC khiến người dân và doanh nghiệp phải điều chỉnh các giấy tờ, thủ tục có liên quan. Cạnh đó việc thay đổi về địa điểm giao dịch; tăng mức thu các loại phí, lệ phí, giảm hạn mức sử dụng đất ở khi sáp nhập xã vào thị trấn,.. cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Sau sáp nhập quy mô rộng hơn, nhiều thành phần dân cư hơn nên cũng phát sinh khó khăn khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tài sản, trụ sở làm việc ở các ĐVHC mới lại rơi vào tình cảnh “vừa thừa, vừa thiếu”. Nhiều nơi, trụ sở dư thừa sau sắp xếp chưa có phương án sử dụng hiệu quả, lại phát sinh nhu cầu đầu tư sửa chữa, nâng cấp trụ sở ở ĐVHC mới nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Đánh giá lại các tiêu chuẩn đô thị loại V đối với thị trấn Tân Bình thì sau khi sáp nhập có đến 4/5 tiêu chí chưa đạt, nhất là tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng,… Điều này đặt ra yêu cầu cần sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực để địa phương từng bước đầu tư hạ tầng đạt tiêu chuẩn đô thị, nhất là hạ tầng giao thông.
Cần đồng bộ và thống nhất trong hướng dẫn
Nội dung được nhiều địa phương phản ánh từ thực tế giải quyết chế độ, chính sách đối với CBCC dôi dư là việc các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời trong hướng dẫn củng cố, kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt khác, quy định về chế độ, chính sách đối với CBCC dôi dư chưa thống nhất và đồng bộ. Theo Hướng dẫn 28 năm 2020 của Ban Tổ chức Trung ương thì CB CC thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức vụ lãnh đạo có phụ cấp chức vụ thấp hơn lúc chưa sắp xếp nhưng vẫn là CBCC trong hệ thống chính trị thì được hưởng nguyên lương, phụ cấp và bảo lưu phụ cấp chức vụ cho đến hết thời hạn bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên các quy định về bảo hiểm xã hội lại không cho phép bảo lưu mức đóng BHXH khiến mức đóng thấp hơn, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của CBCC.
Từ thực tế sắp xếp, bố trí đội ngũ CBCC sau sắp xếp các ĐVHC địa phương cũng kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với trường hợp dôi dư nhưng tuổi đời trẻ, sức khỏe tốt, đáp ứng tiêu chuẩn về bằng cấp – không thuộc diện giải quyết chế độ, chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 108 và 113 của Chính phủ.
Về kế hoạch, lộ trình giải quyết các trường hợp dôi dư, nhiều địa phương cho rằng ngoài việc tuân thủ quy định chung theo Nghị quyết 653 của UBTVQH, các cơ quan cũng nên có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về lộ trình giảm CBCC theo từng năm, như năm đầu tiên giảm 20% số dôi dư, năm tiếp theo giảm 40%, tránh giảm cùng lúc 100% lượng CBCC dôi dư vì rất khó trong bố trí, sắp xếp và khối lượng công việc liên quan khi nhập 02 ĐVHC thành 01 khá nhiều cần duy trì lượng CBCC nhất định để đáp ứng yêu cầu công việc.
Kiến nghị hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn ĐVHC
Từ thực tế áp dụng Nghị quyết 1211 của UBTVQH quy định về tiêu chuẩn ĐVHC cấp xã, các địa phương cho rằng tiêu chuẩn của ĐVHC ở nông thôn tuy có sự phân biệt giữa địa bàn miền núi, vùng cao với các địa bàn còn lại nhưng chưa thực sự phù hợp với đặc thù của ĐVHC miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp nhưng dân số ít. Địa phương đề nghị ngoài 02 tiêu chí về dân số và diện tích thì cần nghiên cứu, bổ sung tiêu chí “các yếu tố đặc thù”. Tham gia góp ý các quy định cụ thể, địa phương kiến nghị sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số xã miền núi, vùng cao theo hướng xã có diện tích tự nhiên rộng hơn với mức tiêu chuẩn chung thì giảm quy mô dân số, tạo thuận lợi trong lãnh đạo, quản lý điều hành, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Theo dự kiến và định hướng sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2 (2022-2030) thì có khá nhiều đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, ở cả cấp xã và cấp huyện (sơ bộ toàn tỉnh có khoảng 50 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp). Từ kết quả thực hiện giai đoạn 2019-2021 các địa phương đề nghị cần sớm có chủ trương, định hướng để địa phương chủ động triển khai, nhất là các vấn đề liên quan đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc các đơn vị, tuyển dụng mới CBCC,.. tránh lãng phí sau đầu tư và tạo sức ép về sau khi giải quyết lượng CBCC dôi dư. Đồng thời tỉnh cần kịp thời ban hành các chính sách theo thẩm quyền như chính sách đặc thù giải quyết CBCC dôi dư, chính sách hỗ trợ người dân trong trường hợp sau sáp nhập không thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ theo khu vực,… để thuận lợi trong tổ chức thực hiện ở địa phương.
Đề xuất hoàn thiện chính sách về CBCC cơ sở, đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng sáp nhập ĐVHC, hợp nhất, tinh gọn bộ máy biên chế không đơn giản chỉ là giảm đầu mối hành chính hay giảm số lượng cán bộ lãnh đạo mà còn kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đổi mới phương thức lãnh đạo, phân cấp mạnh hơn, nâng cao trách nhiệm, kỷ cương công vụ và trình độ cán bộ. Do đó, trong thời gian đến kiến nghị Trung ương tiếp tục điều chỉnh các quy định về CBCC cấp xã, sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/NĐ-CP năm 2019 theo hướng bỏ chế định “người hoạt động không chuyên trách” nhằm đảm bảo tính công bằng, thu hút người có trình độ, tâm huyết về công tác tại cơ sở.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện phương án sắp xếp, HĐND các cấp đều có trách nhiệm tham gia và cho ý kiến theo quy trình. Việc phát huy và thực hiện hiện đúng vai trò, trách nhiệm của HĐND các cấp đóng vai trò quan trọng để phương án sắp xếp đảm bảo hiệu quả, khả thi. Do đó, trong định hướng hoàn thiện quy định liên quan sắp xếp ĐVHC các địa phương cũng kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND các cấp trong thảo luận, cho ý kiến về các phương án sắp xếp, nhất là trong trường hợp phương án đề xuất không đảm bảo quy định hoặc không đạt yêu cầu./.