Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Trách nhiệm trước cử tri

Phiên chất vấn đầu tiên nhiệm kỳ khóa X - một hoạt động giám sát trực tiếp đã cho thấy hiệu quả rõ nét thông qua việc linh hoạt lựa chọn 4 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn, giúp hoạt động nghị trường gắn liền với hơi thở cuộc sống. Tinh thần trách nhiệm của mỗi đại biểu dân cử cũng được thể hiện rõ trong đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận.



Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên chất vấn.

Tăng cường phân cấp cho địa phương

Quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD), chậm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, lập và thực hiện kế hoạch sử dụng đất,.. là những vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Thanh Hà.

Mở đầu phần đặt câu hỏi, đại biểu Bling Mia (đơn vị Tây Giang) cho rằng một trong nguyên nhân khiến tiến độ cấp GCNQSD đất chậm trễ như vừa qua là do những bất cập trong tổ chức và hoạt động của mô hình Văn phòng đăng ký đất đai một cấp. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở nêu giải pháp khắc phục và kiến nghị nên chăng giao về địa phương quản lý thay vì trực thuộc Sở như hiện tại.

Tiếp đến, đại biểu Vũ Văn Thẩm (đơn vị Phú Ninh) cho rằng cấp GCNQSD đất vướng mắc nhiều khâu, trong đó mắc nhất là khâu đo đạc do đó cần tăng cường xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSD đất. Đại biểu Nguyễn Đức (đơn vị Đại Lộc) thẳng thắn đặt câu hỏi về cấp GCNQSD đất đối với các hộ dân diện di dời do sạt lở đất hoặc các hộ được xã, thôn bán đất trong giai đoạn trước.

Đại biểu Trần Úc (Điện Bàn) cho rằng mặc dù hiện tại tỉnh đã phân cấp cho huyện thẩm định hồ sơ đo đạc đối với các dự án có diện tích dưới 6,25 ha; tuy nhiên với đặc thù là địa bàn có nhiều dự án nên số dự án thuộc thẩm quyền thẩm định đo đạc của tỉnh (trên 6,25 ha) vẫn rất nhiều đã dồn sức ép cho Sở dẫn đến thực hiện không kịp thời. Do vậy Sở cần tiếp tục tham mưu phân cấp cho huyện và xác định rõ quy trình, thời hạn hoàn thành thẩm định đo đạc để tránh tình trạng nhiều dự án chậm triển khai vì phải chờ thủ tục thẩm định của tỉnh.

Trả lời các câu hỏi này, Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận những hạn chế, thiếu sót trong việc cấp GCNQSD đất; đối với khu vực miền núi do thời gian trước đó các cơ quan chưa quan tâm đúng mức, nhất là việc đo đạc xác lập hồ sơ địa chính. Vừa qua với việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07 về hỗ trợ kinh phí, các địa phương đã từng bước triển khai và trong quá trình thực hiện Sở cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo chức năng, đề nghị các địa phương tích cực phối hợp để tăng tỷ lệ cấp CGNQSD đất trên địa bàn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức về cấp GCNQSD đất đối với các trường hợp tồn đọng, Giám đốc Sở cho biết đây là vấn đề liên quan đến lịch sử quản lý, sử dụng đất đai ở từng địa phương. Trong thời gian đến Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát, tổng hợp danh sách, phân loại theo từng nhóm đối tượng để có giải quyết phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

Trả lời câu hỏi về xã hội hóa đo đạc và tăng cường phân cấp địa phương thẩm định hồ sơ đo đạc, Giám đốc Sở cho biết sẽ tiếp tục tham mưu tăng cường phân cấp; đồng thời cam kết đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh. Riêng về nội dung xã hội hóa đo đạc hiện nay đã thực hiện ở tất cả các địa phương và với trách nhiệm của Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị tham gia đo đạc.

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về giá thuê đất

Trên lĩnh vực môi trường, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Đốc (Tiên Phước) về vấn đề đóng của mỏ vàng Bồng Miêu, Giám đốc Sở Trần Thanh Hà cho biết đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, giao tỉnh tổ chức thực hiện đề án. Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, cho biết Văn phòng Chính phủ đã có văn bản tham mưu cho phép Bộ TN-MT ủy quyền cho tỉnh đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Trong thời gian sắp đến, UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với Văn phòng Chính phủ cho UBND tỉnh đóng cửa mỏ vàng này.

Trên lĩnh vực đất đai, đại biểu Phan Xuân Thanh (Hội An) phản ánh hiện tại khi bước vào chu kỳ giá đất mới nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch được thông báo đơn giá thuê đất tăng rất cao. Trong bối cảnh doanh nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn do tác động dịch bệnh thì tỉnh có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động kinh doanh? Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở đã thông tin về nguyên nhân giá thuê đất tăng “đột biến” và cho biết sẽ đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có cơ chế miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí theo quy định; đồng thời tham mưu UBND xem xét điều chỉnh giảm hệ số điều chỉnh giá đất để kéo giảm đơn giá thuê đất.

Tham gia trả lời về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết sẽ báo cáo Thường trực HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh giảm hệ số thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch khi đến kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất hằng năm trong năm 2022 và trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 và những năm tiếp theo đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và hoạt động sau dịch.

Chống ngập úng đô thị

Giải pháp chống ngập nội thị Tam Kỳ là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, nêu chất vấn đối với Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú.

Sau khi báo cáo về nguyên nhân và giải pháp chống ngập nội thị Tam Kỳ từ kết quả cuộc Hội thảo do Sở phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức mới đây, Giám sốc Sở nhận được câu hỏi của đại biểu Phan Công Vỹ (Thăng Bình). Đại biểu Vỹ cho biết chưa đồng tình với nhận định ngập tại Tam Kỳ là do nước từ các huyện Thăng Bình, Phú Ninh đổ về các sông ở Tam Kỳ và đề nghị Sở nghiên cứu thêm các giải pháp khác để giải quyết tình trạng ngập.

Đại biểu Trần Nam Hưng (Tam Kỳ) khẳng định tình trạng ngập úng cục bộ khu vực nội thị và ngập lụt lớn trên diện rộng ở các khu vực lân cận có nhiều nguyên nhân. Theo đó, ngoài biến đổi khí hậu, lượng mưa lớn trong thời gian ngắn còn do những bất cập trong đầu tư xây dựng hạ tầng các khu dân cư, điều này đã gây ra tình trạng ngập lụt rất lớn. Trong khi đó, năng lực thoát nước của hạ tầng nội thị rất kém; khớp nối hạ tầng ra hệ thống cấp thoát nước cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tế đó đòi hỏi nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ thoát nước trong thời gian đến.

Tham gia trả lời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang thông tin thêm, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu sâu để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển, xử lý ngập lụt của đô thị tỉnh lỵ. Trong điều kiện nguồn lực khó khăn, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư để thành phố phát triển xứng tầm, đủ điều kiện đạt chuẩn đô thị loại 1 như định hướng của Tỉnh ủy. Thời gian đến sẽ nghiên cứu thực hiện một số dự án như cải tạo sông Bàn Thạch, nạo vét sông Trường Giang, nâng cấp đường Hùng Vương để nâng cao khả năng thoát nước nội thị.

Tổng kết phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi trên tinh thần xây dựng; được các đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, bám sát nhóm vấn đề gợi ý và tham gia tranh luận để làm rõ thêm những tồn tại, vướng mắc. Tuy chưa thể giải quyết hết những vướng mắc như mong đợi của cử tri, song hoạt động giám sát trực tiếp này đã phản ánh rõ trách nhiệm của cơ quan dân cử trước cử tri./.


Tác giả: Trí Nhân


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập