Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm còn nhiều bất cập

Công tác lập kế hoạch sử dụng đất và lập danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định là công việc thường xuyên hằng năm. Tuy nhiên, một số địa phương thiếu quan tâm, chưa chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, chất lượng đơn vị tư vấn chưa đảm bảo dẫn đến chậm tiến độ, chất lượng thấp. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của các địa phương đạt tỉ lệ thấp chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan.

Thực trạng

Theo dõi số liệu những năm gần đây cho thấy, kết quả thực hiện danh mục thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được HĐND tỉnh thông qua đạt rất thấp. Về thu hồi đất: năm 2019 chỉ đạt 25,2%, năm 2020 hầu hết các địa phương đều chỉ đạt dưới 10%, toàn tỉnh chỉ đạt 21,55% (trong đó huyện Thăng Bình đạt thấp nhất: 5,49%) và ước tính năm 2021 chỉ đạt 11,49%. Về kết quả chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cũng không khả quan hơn: năm 2019 đạt 20,11% về danh mục, 12,03% về diện tích; năm 2020 chỉ đạt 18,64% về danh mục, 11,93% về diện tích; năm 2021 chỉ đạt 9,39% về danh mục và 6,96% về diện tích; thậm chí có 03 huyện (Nam Giang, Nam Trà My, Núi Thành) kết quả là 0%.


Nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm là một trong những nguyên nhân dẫn đến
kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất đạt thấp


Bên cạnh đó, còn có một nghịch lý nữa là kết quả thực hiện danh mục thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất thấp, nhưng các địa phương liên tục trình bổ sung danh mục mới. Có trường hợp, danh mục vừa được HĐND thông qua  thì lại có thêm đề nghị bổ sung danh mục. Ví dụ như tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX (cuối năm 2019), đã ban hành nghị quyết thông qua 1.533 danh mục dự án thu hồi đất với tổng diện tích 6.816,49 ha và 272 danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với tổng diện tích là 342,07 ha, thì đến kỳ họp thứ 15 (tháng 4/2020) UBND đã trình bổ sung danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 05 các huyện, thành phố: Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình, Bắc Trà My, Hội An với 19 danh mục, diện tích 20,07 ha; 03 danh mục chuyển mục đích đất, diện tích 3,48 ha. Tiếp đến kỳ họp thứ 16, UBND tỉnh trình bổ sung 80 danh mục dự án thu hồi đất của 14 huyện, thị, thành phố, với diện tích 603,82 ha; 46 danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất, diện tích 382,63 ha.

Một số địa phương đăng ký danh mục khai thác quỹ đất quá lớn, sử dụng nhiều đất chuyên trồng lúa nước dọc theo các trục giao thông chính, làm tăng chuyển đổi diện tích đất lúa và chưa tuân thủ nghiêm Nghị quyết số 21/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Ở khu vực đô thị hầu hết các địa phương đều có dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị, khu phố chợ, bất động sản gắn với du lịch, dịch vụ…Từ đó dẫn đến cung vượt cầu, khiến dự án phải kéo dài nhiều năm dẫn đến tình trạng treo.

Nguyên nhân

Thực trạng trên cũng có một số nguyên nhân khách quan như: trong năm 2020, 2021 dịch bệnh Covid-19 kéo dài, việc chậm trễ trong phân bổ vốn đối với một số dự án sử dụng ngân sách…nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm đạt thấp chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan.

Trước hết là trách nhiệm của các địa phương trong việc lựa chọn, xem xét, đề xuất các danh mục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất. Nhiều địa phương khi đề xuất danh mục chưa tuân thủ đúng Điều 67, Thông tư 29/20214/TT-BTNMT của Bộ Tài  nguyên và Môi trường: "dự án sử dụng vốn ngân sách phải có văn bản ghi vốn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách phải có văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền". 

Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn là thiếu cương quyết trong rà soát, thẩm định tính khả thi của các danh mục dự án trước khi trình HĐND tỉnh xem xét theo quy định của pháp luật. Công tác theo dõi, cập nhật biến động, kiểm kê đất đai có lúc chưa chính xác. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của các cấp, các ngành chưa kịp thời nên các dự án đầu tư trong năm kế hoạch thường chậm trễ, đăng ký lại nhiều lần vào những năm tiếp theo.

Nhiều dự án đã được phân bổ vốn trong năm nhưng không có kế hoạch sử dụng đất hoặc danh mục thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua nên phải xin ý kiến bổ sung nhiều lần trong năm. Qua đó cho thấy công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị trong công tác này chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.

Việc triển khai các thủ tục  như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thu hồi đất, giao đất…cho các dự án đầu tư thường chậm trễ, địa phương phải đăng ký lại nhiều lần.

Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian đến

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, vấn đề sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả là hết sức quan trọng không chỉ đối với hiện tại mà còn có ý nghĩa lâu dài trong tương lai khi mà dân số ngày càng tăng nhưng diện tích đất đai không thể tăng thêm. Mặt khác, Luật Đất đai đã ghi rõ: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Do vậy, để đưa việc quản lý và sử dụng đất đai vào quy chế chặt chẽ, khai thác tiềm năng của đất đai một cách hợp lý và có hiệu quả, triệt để tiết kiệm đất là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan, trong đó có việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả việc sử dụng đất. Từ thực trạng của những hạn chế, bất cập nêu trên, trong thời gian đến cần tập trung vào một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kế hoạch sử dụng đất hằng năm trên địa bàn tỉnh.

Trước hết, UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm trong lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm, thực hiện nghiêm về quy trình, hồ sơ thủ tục, thời gian trình HĐND tỉnh theo đúng quy định tại Thông tư 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định kế hoạch sử dụng đất các dự án đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố lấy ý kiến của HĐND cấp huyện về đề nghị bổ sung danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Nghiên cứu thực hiện việc Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt và triển khai đồng bộ việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tạo sự minh bạch và tăng nguồn thu ngân sách từ việc co thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước chỉ ưu tiên cho mục đích công cộng, lợi ích quốc gia; hạn chế tối đa chuyển đất lúa nước cho mục đích kinh doanh, dịch vụ, khai thác quỹ đất dọc các tuyến giao thông.

HĐND cần tăng cường công tác giám sát trong việc đăng ký, thực hiện danh mục thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khả thi và kiên quyết kiến nghị xử lý các dự án chậm tiến độ, các danh mục đăng ký, thực hiện không đúng quy định./.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

Nguồn tin: Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập