1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định của pháp luật.
2. Lựa chọn loài cây, giống cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và loại rừng, cụ thể:
a) Đối với trồng rừng tập trung:
+ Trồng rừng đặc dụng: chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó.
+ Trồng rừng phòng hộ: trồng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt.
+ Trồng rừng sản xuất: tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.
b) Đối với trồng cây phân tán: chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích.
3. Tập trung chỉ đạo, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn chủ động gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng phục vụ trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán theo kế hoạch và mùa vụ trồng rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp theo chuỗi hành trình từ khâu thu hái vật liệu, sản xuất giống đến lô cây con cho trồng rừng, tạo sự chuyển biến về chất lượng giống cây trồng.
4. Rà soát quỹ đất và quy hoạch sử dụng đất; chuẩn bị hiện trường trồng rừng, trồng cây xanh phân tán theo kế hoạch năm 2021 và cả giai đoạn 2021- 2025 để tổ chức thực hiện.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao, giống mô, hom và trồng rừng sản xuất gỗ lớn, nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng; đặc biệt là các trường hợp trồng rừng có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hoặc các chương trình, dự án tài trợ khác.
6. Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện tăng cường chức năng quản lý nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn.
7. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có cơ sở sản xuất cây giống quy mô công nghiệp tăng cường sản xuất giống để ổn định giá thành cây giống phục vụ trồng rừng; phát triển hệ thống nguồn giống gốc, tiếp nhận chuyển giao giống mới và công nghệ nhân giống tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trồng rừng tại địa phương./.