Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, chuyến đi khảo sát, tìm hiểu đỉnh Ngọc Linh, xã Trà Linh, H. Nam Trà My do UBND huyện tổ chức được đánh giá là một chuyến công tác đặc biệt. Đoàn công tác do đích thân Chủ tịch UBND huyện-Hồ Quang Bửu làm trưởng đoàn, cùng các thành viên là các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện và một số thành viên các Sở, ngành tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt có sự tham gia của gần 20 thanh niên, già làng Hồ Văn Du của xã Trà Linh, là những người đồng bào Xơ Đăng tại địa phương, am hiểu, nhiều kinh nghiệm về rừng núi. Riêng cánh báo chí chúng tôi có đại diện của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV), Báo Tuổi trẻ, Báo Công an TP Đà Nẵng, Đài Truyền thanh-Truyền hình H. Nam Trà My.
Trước ngày xuất phát, Trưởng đoàn Hồ Quang Bửu đã họp đoàn, quán triệt, xác định rõ: “Đây là chuyến công tác đặc biệt, sẽ vô cùng khó khăn, gian khổ, thậm chí là nguy hiểm, nên mọi công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo, kỹ càng. Các thành viên trong đoàn đều phải chuẩn bị sẵn trang thiết bị như bạt, võng, mùng mền, áo lạnh, lương thực đủ cho 10 ngày, cánh báo chí chúng tôi thì còn lỉnh kỉnh hơn, vì ngoài phương tiện tác nghiệp, cũng phải “cõng” thêm hơn 20kg đồ dùng, lương thực như mọi thành viên trong đoàn. Đoàn có 3 bác sĩ với đầy đủ thuốc men, dụng cụ y tế và có thêm lương y Nguyễn Đức Nghĩa từ TPHCM lặn lội tham gia với đoàn…
|
Đoàn công tác UBND Nam Trà My lên đường khảo sát núi Ngọc Linh.
|
7 giờ ngày 27-3, sau một giờ hành quân bằng ô-tô từ TT Tắc Pỏ (trung tâm Nam Trà My), đoàn chúng tôi tới trung tâm xã Trà Linh, từ đây bắt đầu hành trình đi bộ, vượt dốc chinh phục đỉnh Ngọc Linh… Nhìn trên bản đồ, dãy Ngọc Linh nằm ở điểm cực Nam của dải Trường Sơn, bao quanh dãy núi gồm 3 huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Đắc Glây, Tu Mơ Rông (Kon Tum), trong đó diện tích rất lớn của dãy núi Ngọc Linh nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam.
Sinh sống quanh triền núi Ngọc Linh là đồng bào Xơ Đăng, Ba Na mang đậm bản sắc của vùng cực Bắc Tây Nguyên, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điểm chinh phục đầu tiên của chúng tôi là làng Tắc Lang, xã Trà Linh nằm ở độ cao 1.000m trên sườn núi Ngọc Linh, để lên tới làng phải mất 3 giờ đồng hồ vượt dốc, đã nghe những tiếng thở gấp, đã thấy những thành viên trong đoàn chống lưng bóp gối, nhưng ai nấy đều vẫn rất khí thế, hào hứng.
Ngỡ ngàng và ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những thửa ruộng bậc thang bao quanh các triền núi, tôi dám đảm bảo hệ thống ruộng bậc thang của đồng bào Xơ Đăng nơi đây đẹp và hùng vĩ không kém gì những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Yên Bái hay Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang. Từng thửa ruộng nối tiếp nhau, trên các sườn núi, có thửa chỉ rộng nhỉnh hơn 1m2, từ các khe núi theo các đường ống được kết tạo bằng cây tre lồ ô dòng nước trong mát tỏa về các thửa ruộng. Nhìn những chân rạ lúa đã thu hoạch từ mùa trước cho thấy lúa ở đây rất tốt. Điều đó chứng tỏ kỹ thuật canh tác lúa nước của đồng bào quanh triền núi Ngọc Linh đã rất lâu đời, thuần thục.
|
Ruộng bậc thang của bà con Xơ Đăng trên sườn núi Ngọc Linh.
|
Đang mùa làm vụ lúa mới, tôi dừng chân hỏi chuyện một phụ nữ đang đắp bờ trên thửa ruộng, chị cho biết tên là Hồ Thị Hương, ở thôn Tắc Lang, gia đình chị có 4 sào lúa ruộng bậc thang, đủ cung cấp lương thực quanh năm. Anh Hồ Văn Viêm - Trưởng CAX Trà Linh thì cho biết, thôn Tắc Lang có hơn 120 hộ, nhà nào cũng có ruộng lúa nước, đất ở đây tốt, bà con còn làm thêm rẫy trồng bắp, sắn, chăn nuôi được rất nhiều trâu, bò, heo gà, vịt… Một điều bất ngờ, anh Viêm tiết lộ, thôn Tắc Lang chính là một trong những địa điểm “thủ phủ” của vùng sâm Ngọc Linh - một loài thảo dược được mệnh danh là “thần dược” đứng trong nhóm 4 loại sâm có giá trị bồi bổ sức khỏe con người tốt nhất thế giới.
Ở Tắc Lang, hầu như gia đình nào cũng có một diện tích trồng vài nghìn cây sâm Ngọc Linh, giá mỗi ký sâm loại thấp nhất cũng hơn 20 triệu đồng, loại tốt có thể đạt tới hơn 70 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình Xơ Đăng ở Tắc Lang đã khá giả nhờ cây sâm Ngọc Linh, nhờ cây sâm, đường điện lưới quốc gia cũng đã vượt bao đèo dốc tới thôn, nhiều hộ gia đình đã sắm được tivi, tủ lạnh, thôn đã có máy xay xát gạo, trẻ em trong thôn đứa nào cũng được đi học từ lớp mầm non đến trung học phổ thông, nhiều gia đình mua được xe máy, gửi dưới chân núi… Tôi đã từng lặn lội tới rất nhiều địa phương miền núi ở miền Trung - Tây Nguyên, nhưng đây là điều hiếm thấy ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa không có đường giao thông như ở Tắc Lang…