Những người già ở làng Măng Tó(thôn 2) xã Trà Cang, huyện Nam Trà My(Quảng Nam) quê Thập đều còn nhớ như in về cậu bé Hồ Văn Thập, bởi tuổi thơ và niềm đam mê của Thập bao giờ cũng gần gũi với những thanh âm phát ra từ những ống tre, ống nứa vô tri. Gia đình Thập vốn nghèo, trong nhà không có cồng, không có chiêng, nhưng bù lại trong nhà có đàn t’rưng, đàn pơroong ló. Mỗi khi làng vào mùa lễ hội, anh lại quanh quẩn bên những nghệ nhân, những người già lớn tuổi và bất cứ trong vùng người Xơđăng có tiếng đàn, điệu múa xoang, tiếng trống, tiếng cồng chiêng anh lại tìm đến, có lúc quên cả đường về nhà.
Xoay xoay trên tay một ống lồ ô lựa chỗ để đặt mũi dao rạch những đường đầu tiên của chiếc đàn t’rưng, Hồ Văn Thập tâm sự: Khi còn bé, theo cha không biết bao nhiêu mùa rẫy. Mỗi ngày được tận mắt xem cha đẽo, vót ống nứa, lồ ô thử thang âm để làm nhạc cụ. Cái gì không hiểu thì lại hỏi. Dần dần, tôi đã hình dung ra trong những âm thanh quen đó có nhịp điệu rất hay mang hơi thở của cuộc sống núi rừng và hình thành ý niệm là học cách chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của người Xơđăng như: đàn đá(đi điêng), đàn pơroong ló và đàn t’rưng.
Ảnh: Hồ Văn Thập biểu diễn đàn tơrưng tại
"Ngày hội văn hóa huyện Nam Trà My-tháng 8 năm 2012".
Với Hồ Văn Thập, mỗi thứ vật liệu như tre, nứa, sừng trâu... đều có linh hồn, quan trọng người nghệ nhân phải biết đặt tình cảm của mình vào đó thì mới làm ra một thứ nhạc cụ hay. Anh tâm sự, để làm ra được một đàn t'rưng, đàn pơroong ló, tù và, v.v… thì không khó, nhưng để đánh đàn, thổi ra tiếng và có hồn thì người chế tác nó phải có sự đam mê thì mới hay được. Trong các loại nhạc cụ của người Xơđăng, thì đàn t'rưng khó làm và khó chơi nhất. Để làm được một đàn t'rưng hay, phải vào tận rừng sâu, chọn cây lồ ô từ nhỏ đến lớn đủ 10 ống thật già đem về để trong mát chừng 1 tháng. Tiếp đó là hong trên giàn bếp 1 thời gian cho cây lồ ô bóng, chắc. Qua 3 công đoạn ấy, những đoạn lồ ô thẳng nhất, già và vàng nhất đủ tiêu chuẩn mới được đem cắt thành ống làm đàn. Một cây đàn t'rưng hoàn chỉnh và hay, thời gian làm mất từ 7 đến 9 ngày mới xong, nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 4 tháng trời. Không thể làm nhanh, làm ẩu mà phải làm bằng chính sự rung động của bàn tay và tâm hồn người chế tác ra nó. Công phu là thế, nhưng Hồ Văn Thập cho rằng: Làm ra một đàn t'rưng hay đã khó, để đánh nó có hồn còn khó gấp bội lần. Với niềm đam mê ấy, qua bao năm tích lũy hiện trong nhà của anh đang lưu giữ nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Xơđăng như: khèn, trống, chiêng... Tất cả anh đều giữ gìn như báu vật, những ngày lễ lớn mới mang ra phục vụ cho dân làng thưởng thức.
Ảnh: Hồ Văn Thập đang biểu diễn đàn đá nhân
“Tuần Văn hóa - Du lịch Quảng Nam tại Hà Nội tháng 11 năm 2009”.
Anh Hồ Văn Neo, người cùng làng của anh cho biết: Có những lúc tưởng chừng gánh nặng gia đình đã gắn chặt Hồ Văn Thập với nương rẫy song tiếng rộn ràng của mùa hội mừng lúa mới, lễ cúng máng nước, lễ cúng làng…đã đưa anh Thập càng gắn bó với nhạc cụ của đồng bào Xơđăng của mình hơn. Lúc vui cũng như lúc buồn, anh Thập đều đem các loại nhạc cụ ra chơi. Hồ Văn Thập đánh cồng chiêng, đàn đá và cả đàn t'rưng hay lắm, bà con ở đây ai cũng muốn nghe. Thấy Hồ Văn Thập chế tác các loại đàn, rồi anh chơi nó cũng thích lắm nhưng không học được, khó lắm. Người làng Măng Tó bảo, đôi tay của Hồ Văn Thập như đọc được âm thanh từ cây gỗ, cây nứa, lồ ô, cồng chiêng vậy. Anh được bà con Làng Măng Tó coi là báu vật sống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Xơđăng.
Những năm trước đây, khi Hồ Văn Thập biết làm nhạc cụ cũng là lúc các hoạt động văn hóa-văn nghệ của đồng bào Xơđăng trong làng không còn sôi nổi như trước. Hồ Văn Thập chỉ còn làm đàn t’rưng, đàn pơroong ló khi cây đàn của mình hoặc của người bạn nào đó trong làng Măng Tó hay các làng bên hỏng. Tuy vậy, biết chế tác các loại nhạc cụ và tài đánh đàn t'rưng, đánh cồng, chiêng của Hồ Văn Thập vẫn vang xa khắp núi rừng Trà My. Năm 1997, nhân kỷ niệm 1 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Nam, huyện Trà My tìm người cho hội diễn nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh. Và cũng từ đó tên tuổi của Hồ Văn Thập được nhiều người biết đến gắn với các nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Xơđăng. Anh đã có mặt ở nhiều liên hoan từ cấp huyện, đến tỉnh và ngay cả trong hội thi nhạc cụ dân tộc toàn quốc, anh cũng đều đoạt được vị trí cao nhất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hồ Văn Thập không những người chế tác và chơi điêu luyện các loại nhạc cụ truyền thống của người Xơđăng mà anh còn là người duy nhất vùng Trà My biết sửa chữa và thẩm âm cho cồng chiêng. Nhiều người ở tận vùng Đắk Tô, Kông Rẫy, Đắk Hà, Kông Plong(thuộc tỉnh Kon Tum) và một số làng lân cận thuộc xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Vân, Trà Tập, Trà Cang, Trà Leng, Trà Dơn, v.v…huyện Nam Trà My còn cất công đến tận nơi nhờ anh sửa giúp nhạc cụ. Theo Hồ Văn Thập, để thẩm âm cho một chiếc cồng chiêng phải mất thời gian từ 15 đến 20 ngày, đôi khi cả tháng thì mới hoàn chỉnh để trả lại âm thanh của mỗi vùng. Khâu này rất khó, đòi hỏi cái tai của người nghệ nhân phải chuẩn, đôi tay phải khéo mới làm được âm sẽ vang và thanh hơn...
Trong ký ức của cậu bé Hồ Văn Thập, yêu âm nhạc thuở bé mỗi dịp làng Măng Tó có lễ hội và trong dịp ấy trai làng này lại thể hiện tài làm nhạc cụ, đánh nhạc cụ với trai làng kia trước mặt các cô gái. Nhưng giờ đây, người trẻ không còn cầm dao, không đan gùi, không biết làm nhạc cụ nữa. Mình muốn tụi trẻ con nhìn thấy mình làm và chơi nhạc cụ sẽ có nhiều đứa theo học, yêu mến nghề này và làm theo./.