Cá C’râu
Cá C’râu (cá cờ râu) – Theo tiếng của người Xê Đăng nghĩa là ăn thuốc! Định cư dưới chân dãi núi Ngọc Linh xa xôi cách trở, người Xê Đăng ở Nam Trà My đã tạo cho mình những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt cũng như mối quan hệ giao tiếp hằng ngày. Và Cá C’râu cũng là nét văn hóa độc đáo của người bản địa.
Hôm đầu tháng 6 vừa rồi, tôi cùng mấy anh đồng nghiệp lên công tác tại xã Trà Linh (Nam Trà My). Trước lúc lên đường, chúng tôi không quên mua vài gói thuốc lá Con Ngựa để còn mời mọc, giao tiếp với người dân khi tìm hiểu thông tin. Dọc đường đi về thôn 3, tuy leo dốc dựng đứng, ai nấy đều mệt đờ người nhưng khi gặp mấy anh thanh niên, không quên móc túi mở bao thuốc lá: “Mời anh hút điếu thuốc cho vui”. “Cảm ơn. Mình không biết hút thuốc điếu”. Anh Trung Việt – Pv Báo Phụ nữ TP.HCM vừa thở, vừa ca: “ không biết hút thuốc là tốt đó. Đừng tập hút làm chi cho khổ nghe.”
Hình: Phụ nữ Xê Đăng cũng rất thích Cá C’râu
Vào tới làng Tắk Lan – Thôn 3, xã Trà Linh, 4 anh em chúng tôi được cô chủ quán tạp hóa (quê ở huyện Quế Sơn) thổi dùm 2 lon gạo. Đói bụng gặp cơm nóng chan với mắm cái, ai nấy đều rất “phấn khởi”. Cơm nước no nê, mỗi người bặm điếu thuốc ngồi tính chuyện tác nghiệp. Vào làng, gặp mấy vị cao niên, chúng tôi nhanh tay lấy gói thuốc ra mời để tạo mối thâm giao để tiện bề hỏi chuyện, ai dè đều bị từ chối: “Mình không hút thuốc!” Khi chúng tôi vào nhà ông Hồ Văn Lôi (hơn 70 tuổi) lấy gói thuốc mời chào cũng bị từ chối. Trong lúc ngồi trò chuyện với cụ Lôi bên bếp lửa, thấy trên giàn lá thuốc treo đầy. Chúng tôi nghĩ bụng không lẽ họ kiên cử thuốc lá hay là mình đã làm gì “mắc tội” ? Sao Bố không hút thuốc lá – tôi hỏi cụ Lôi. Ở trên này mình không quen hút thuốc điếu. Hút vào bị sặc chảy nước mắt, sợ lắm. Mình chỉ ăn cái này thôi – cụ Lôi giải thích. Nói xong cụ Lôi dở cái teo lấy bình nhựa trắng, mở nắp, đổ ít bột màu xanh ra lòng bàn tay, xốc xốc vài cái và cho vào miệng, ngồi suy tư giống đang nghe nhạc trữ tình.
Theo tìm hiểu thì thứ bột màu xanh đó chính là thuốc lá bột. Những cây thuốc được trồng trên rẫy, sau khi lá đã già, người dân hái đem về treo trên giàn bếp. Khi nào lá thuốc khô giòn, họ đem xuống nghiền nát thành bột. Tiếp đó, họ lấy vỏ ốc đá đem vào nung chín và giã thành bột nhỏ mịn hơn vôi để trộn đều với bột thuốc. Xong, cho vào bình nhựa đậy kín để tránh bột bị ẩm và tiện cho việc mang theo bên người thưởng thức. Người Xê Đăng khi gặp nhau dù ở nhà hay trên rẫy cũng đều móc trong bị lấy bình thuốc bột ra mời Cá C’râu để thể hiện sự thân mật. Nói là ăn thuốc nhưng thực ra, họ chỉ cho thuốc bột vào miệng ngậm chứ không nuốt vào bụng. Khi ngậm vào, bột sẽ ngấm đều với nước bọt, người ăn thuốc lấy lưỡi hoặc ngón tay bôi cho bột phủ kín hai hàm nướu. Bột sẽ nóng lên cho cảm giác lân lân trong đầu, hơn cả hút thuốc điếu. Ngậm khoảng 5 phút thì bột thuốc hết tác dụng và họ phun ra. Tục ăn thuốc bột của người Xê Đăng đã có từ ngàn đời nay và chưa hề có ai bị mắc bệnh tật gì từ thuốc bột. Bởi lẽ họ ăn thuốc chỉ lấy cảm giác chứ không như việc hút thuốc, hít Nicotin vào phổi rất nguy hiểm. Vì vậy mà ở các làng nóc, từ người già đến trẻ con, ai thích ăn thuốc bột thì cứ tự nhiên, không cấm. Hơn nữa, khi ăn thuốc bột, độ nóng của vôi và thuốc sẽ diệt được sâu răng nên người Xê Đăng ít khi nào bị bệnh răng miệng.
Cũng có câu chuyện về Cá C’râu thật như thế này. Số là lần đó, 1 cơ quan ở huyện Nam Trà My tổ chức đi thăm quan. Ra Hà Nội, đoàn vào thăm bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong bảo tàng nơi đâu cũng thấy No Smoking (cấm hút thuốc). Đi trong đoàn có anh cán bộ người Xê Đăng, vào bảo tàng, vừa xem hiện vật lịch sử vừa móc trong túi quần ra lọ nhựa Vitamin Pluss, hiên ngang đổ bột ra và thưởng thức. Đội bảo vệ cứ nghĩ anh này đang uống thuốc chữa bệnh. Ai dè anh ta đang giải quyết cơn ghiền thuốc lá một cách hợp pháp!
Quay lại chuyện Cá C’râu ở làng Tắk Lan. Sau khi thấy cụ Hồ Văn Lôi ăn thuốc bột một cách ngon miệng, tôi cũng muốn thử cho biết hương vị nhưng lúc đó 3 anh đồng nghiệp ngồi bên cạnh, sợ mình ăn không được bị chọc quê thì tím mặt. Cầm Camera chạy lên nhà chị Hồ Thị Vân. Vào cửa tôi nói ngay: Cá C’râu. Chị Vân hiểu ý, đổ vào bàn tay tôi khoảng 1 muỗng cafe bột thuốc. Tôi cũng làm giống hệt như cụ Lôi và nghe cảm giác cả miệng tê tê, mặt nóng bừng, hơi choáng. Khác hẵn với cám giác khi hút điếu thuốc lá. Chị Vân bảo do mới ăn lần đầu nên bị say thuốc, vài lần nữa sẽ quen thôi. Mỗi ngày, 1 người Cá C’râu ít nhất cũng 30 lần. Lúc này tôi mới hiểu được vì sao người Xê Đăng lại thích “món ăn khuấy khẩu” này đến như vậy. Khi Cá C’râu thể hiện được tình thâm giao, bạn hữu nơi miền sơn cước, không hại cho sức khỏe, không ảnh hưởng tới người xung quanh mà bảo vệ được răng miệng. Tính ra, ăn thuốc bột lại có lợi.
Tác giả:
Hoàng Thọ Đài TT-PLTH Nam Trà My
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: