Ngày 7/3, tại hội trường UBND huyện Nam Trà My, đoàn đại biểu Quốc hội
tỉnh Quảng Nam, trong đó có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp xúc
cử tri huyện này.
Nhiều cử tri cho rằng mặc dù địa phương được đầu tư nhiều nhưng thời
gian qua hiệu quả đạt được chưa cao. Người dân mong muốn các cấp có giải
pháp hỗ trợ, đầu tư hợp lý, tránh dàn trải kém hiệu quả như hiện nay.
Ngoài ra, cử tri đề nghị nhiều chính sách như quan tâm, hỗ trợ đào tạo
nghề cho con em thiểu số; hỗ trợ nguồn lực để phát triển sâm Ngọc Linh
thành thương hiệu quốc gia…
|
Phó thủ tướng tặng quà cho nữ y tá. Ảnh: T.H
|
Biểu dương các kết quả mà huyện Nam Trà My đã đạt được, Phó thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những vấn đề cử tri đặt ra, Đảng và Nhà nước
ghi nhận và sẽ cố gắng thực hiện hiệu quả. So với thời điểm chưa chia
tách, sự thay đổi của huyện Nam Trà My hôm nay là rất lớn. Tuy nhiên,
thực tiễn địa phương cũng còn nhiều vấn đề, nhất là trên các mặt như
nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, quy hoạch lại dân cư để đầu tư cơ
sở hạ tầng đồng bộ, hiệu quả.
“Bà con cử tri cũng phải nêu cao tinh thần tự lực, tự vươn lên. Phải tự
đặt ra câu hỏi tại sao mình được hỗ trợ, giúp đỡ nhiều nguồn lực nhưng
vẫn còn nghèo đói, lạc hậu? Đội ngũ cán bộ và người dân của huyện cần
thay đổi hành động. Cán bộ phải luôn bám sát cơ cở, xử lý hiệu quả yêu
cầu mà cơ sở đòi hỏi”, Phó thủ tướng nói.
Sau buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, tặng quà
cho y tá Hồ Thị Hiếu, Trưởng trạm y tế xã Trà Cang. Nữ y tá người Xê
Đăng được Phó thủ tướng biểu dương vì đã có hành động dũng cảm bước qua
lời nguyền của hủ tục để cứu sống bé trai, sau đó nhận làm con nuôi.
Đầu tháng 9/2011, do bị mất máu quá nhiều, sản phụ Hồ Thi Yên (xã Trà
Cang, Nam Trà My) qua đời khi vừa sinh bé trai kháu khỉnh. Theo tục lệ
người Xê Đăng, một cuộc họp làng diễn ra và thống nhất đám tang chị Yên
phải tổ chức ngay hôm đó, đứa trẻ mới ra đời phải chôn sống cùng mẹ.
|
Sau khi cứu sống đứa trẻ, Hiếu nhận bé trai về làm con nuôi và lại phải đối mặt với những lời buộc tội của dân làng. Ảnh. Tiến Hùng.
|
Dân làng Xê Đăng quan niệm nếu sinh xong mẹ qua đời thì phải chôn sống
đứa trẻ theo bởi nếu để lại không có ai chăm sóc. Nó còn quá yếu ớt nên
cũng khó vượt qua. Trong khi đám tang hai mẹ con đang được dân làng lo
liệu thì Hiếu lúc này làm việc ở thị trấn huyện Nam Trà My nghe được
tin, sợ băng rừng suốt mấy tiếng không kịp, Hiếu điện thoại cho em gái
cướp đứa trẻ. Hai chị em sau đó chạy bộ suốt nhiều tiếng, bế đứa trẻ
xuống trung tâm y tế cứu chữa.
Vì dám vượt qua lệ làng, nữ y tá sau đó phải đối mặt với những lời buộc
tội, sỉ vả của dân làng. Chị Hiếu phải ở nhờ nhà người quen dưới huyện
không dám về làng. Một thời gian sau, khi đứa trẻ đã lớn, Hiếu quyết
định đối mặt với họ. Sơn nữ đến gặp già làng, gặp những người vẫn còn
tin vào cái tục lệ đó để giải thích không có con ma nào cả, cộng với sự
tuyên truyền của chính quyền địa phương, cuối cùng người dân cũng bỏ
qua. Họ không những tha thứ cho chị mà còn hứa xóa bỏ hủ tục.
Câu chuyện của Hiếu nhanh chóng lan ra các bản làng xa xôi ở huyện Nam
Trà My, nơi hủ tục vẫn còn dai dẳng. Từ đó đến nay, không còn bé sơ sinh
nào bị chôn sống theo mẹ nữa.